Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội do TS Phạm Thị Hồng Điệp làm chủ nhiệm, trường Đại học Kinh tế chủ trì, thực hiện từ tháng 07/2009 đến tháng 07/2011.
1. Giới thiệu chung
Sau 25 năm Đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đã hình thành và phát triển với những thành quả đáng khích lệ. Đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước đã được thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế thị trường, tạo lập sân chơi, môi trường kinh tế thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và hoàn thiện môi trường kinh tế ở nước ta hiện nay còn chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, việc nghiên cứu “Hoàn thiện môi trường kinh tế ở Việt Nam theo yêu cầu hội nhập WTO” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết nhằm góp phần luận giải những vấn đề của quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Mục tiêu và nội dung nghiên cứu của đề tài
Đề tài nghiên cứu vấn đề hoàn thiện môi trường kinh tế ở Việt Nam theo yêu cầu hội nhập WTO, đồng thời đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh tế ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập WTO trong thời gian tới.
3. Kết quả nghiên cứu
Phần thứ nhất, đề tài đã khái quát những vấn đề lý luận cơ bản về môi trường kinh tế như khái niệm, các yếu tố cấu thành và những nhân tố chủ yếu tác động đến môi trường kinh tế; chỉ ra nội dung cần hoàn thiện môi trường kinh tế theo yêu cầu hội nhập WTO; đề tài cũng đã tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc hoàn thiện môi trường kinh tế theo yêu cầu hộ nhập WTO và rút ra những bài học cho Việt Nam.
Phần thứ hai, đề tài đi sâu làm rõ thực trạng hoàn thiện môi trường kinh tế ở Việt Nam thời gian qua và những vấn đề đang đặt ra cho việc tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh tế ở Việt Nam theo yêu cầu hội nhập WTO. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định: Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt từ khi chính thức là thành viên của WTO đến nay,Việt Nam đã không ngừng cố gắng rà soát, hài hòa hóa các cam kết trong các lĩnh vực, mở cửa thị trường để tuân thủ các quy định chung của WTO. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và hoàn thiện môi trường kinh tế ở nước ta hiện nay còn chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập, còn nhiều thách thức về thể chế, chính sách kinh tế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống thị trường, quản lý hành chính… đặt ra cần nỗ lực vượt qua.
Phần thứ ba, đề tài đã đề xuất hệ thống quan điểm, phương hướng và một số giải pháp cụ thể để tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh tế theo yêu cầu của WTO. Các giải pháp cụ thể là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hệ thống luật pháp; ổn định kinh tế, chính trị, xã hội; hoàn thiện hệ thống chính sách kinh tế, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển đồng bộ các loại thị trường và đẩy mạnh cải cách hành chính…
4. Các công bố liên quan đến kết quả đề tài :
- Cải thiện môi trường kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế: kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra, tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 9/2010
- Hoàn thiện môi trường kinh tế ở Việt Nam trong quá trình hội nhập WTO, Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh, tạp chí Khoa học, ĐHQG Hà Nội,(27) 2011
5. Kết quả đào tạo của đề tài : Chủ nhiệm đề tài đã định hướng và trực tiếp hướng dẫn sinh viên thực hiện các bài nghiên cứu liên quan đến một số nội dung cụ thể của đề tài, cụ thể là :
- Nghiên cứu khoa học sinh viên 2010: Kinh nghiệm hoàn thiện môi trường kinh tế của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam – Nguyễn Thị Nhung, QH 2006E – KTCT
- Khóa luận tốt nghiệp 2010: Hoàn thiện môi trường thể chế kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay – Võ Thúy Hằng, QH 2006E - KTCT
6. Kết quả ứng dụng của đề tài :
Đề tài được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy và học tập chuyên đề Những vấn đề Kinh tế chính trị ở Việt Nam hiện nay, hệ cao học chuyên ngành Kinh tế chính trị và Quản lý kinh tế của trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.